Vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ trong trường mầm non, đồ dùng đồ chơi là phương tiện giúp để trẻ thực hiện hoạt động đó, đồng thời là cách giúp trẻ tiếp thu bài học một cách sinh động, nhiệt tình và có hiệu quả hơn. Đồ dùng đồ chơi là đối tượng nghệ thuật gần gũi với trẻ, nó khơi gợi ở trẻ cảm xúc thẩm mỹ, khi tham gia hoạt động với đồ chơi trẻ có thái độ tích cực, trẻ có cái nhìn nhận lành mạnh, từ đó dần hình thành ở trẻ thị hiếu nghệ thuật về sau này.
Hiện nay trên thị trường buôn bán rất nhiều loại đồ dùng đồ chơi mầm non rực rỡ màu sắc và chất liệu. Tuy nhiên xét về phương diện giáo dục thì chúng lại không thể để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và mục đích, yêu cầu cần đáp ứng của chương trình dạy học ở trường mầm non. Mặt khác, trong sinh hoạt hằng ngày, có rất nhiều vật liệu bị loại bỏ sau khi sử dụng. Từ những phế liệu, vật liệu thiên nhiên đã qua sử dụng này chúng ta có thể biến chúng thành những đồ dùng, đồ chơi đẹp, ấn tượng để phục vụ cho công tác giảng dạy và hoạt động vui chơi của trẻ. Đó chính là những sản phẩm mang tính sáng tạo mà không tốn kém nhiều. Đây cũng là giải pháp tích cực xử lí đồ phế liệu, vật liệu thiên nhiên đã qua sử dụng mang lại lợi ích cho con người và môi trường sống.
Thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2024 -2025 Trường mầm non Tân Trào đã tổ chức Hội thi “Làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo” cho toàn thể giáo viên tham gia. Hội thi được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cô giáo. Tham gia hội thi, các cô giáo đã biết cách tận dụng các nguyên liệu sẵn có trong gia đình và địa phương, chẳng hạn như: Bìa catton, vỏ chai nước giải khát, vỏ hộp sữa, nắp chai, ống nhựa, que kem, các miếng gỗ nhỏ..... góp phần bảo vệ môi trường sạch đẹp, đồng thời cũng sáng tạo ra nhiều mô hình đồ dùng, đồ chơi độc đáo.
Chỉ trong một thời gian ngắn nhưng thật bất ngờ khi số lượng đồ dùng, đồ chơi của các cô, các tổ tại phòng trưng bày chấm thi với số lượng rất nhiều và phong phú, đa dạng về chủng loại, độ bền cao; có rất nhiều đồ dùng dạy học, đồ chơi sáng tạo, thu hút và hấp dẫn trẻ. Mỗi tổ mang đến 8 đến 9 bộ đồ chơi phục vụ cho các hoạt động trong ngày ở tất cả các chủ đề: Bé yêu các con vật, Bé với an toàn giao thông; Tích hợp đa văn hóa trong hoạt động âm nhạc...Phần lớn tất cả đồ dùng, dạy học, đồ chơi tự làm của các lớp phục vụ trực tiếp cho các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo mà giáo viên đang phụ trách.
Qua hội thi, đã phát huy được tính tích cực và tiềm năng sáng tạo của mỗi giáo viên mầm non. Góp phần phục vụ thiết thực cho các hoạt động giáo dục theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Làm đồ chơi cho trẻ còn góp phần giao lưu tình cảm giữa cô và trẻ. Nó thể hiện tình cảm của giáo viên với trẻ, với nghề. Nếu không yêu trẻ cô giáo khó lòng có thể tự nguyện dành thời gian để làm một món đồ chơi nào đấy cho chúng. Cũng dễ dàng nhận thấy điều đó khi thấy trẻ rất vui sướng, hạnh phúc đón nhận khi được món đồ chơi do bàn tay cô giáo làm ra./.